22/09/2016
Tự chế biến thức ăn chăn nuôi tôm cá từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương là hướng đi chung cho người chăn nuôi hiện nay.
Thức ăn đóng vai trò quyết định năng suất tôm cá trong mỗi vụ nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng leo thang, nếu người chăn nuôi không tính toán kỹ thì sản xuất khó duy trì và phát triển được. Để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ thiên nhiên, nguồn nguyên liệu tươi sống và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương là rất quan trọng. Khi sử dụng thức ăn tự chế biến sẽ có nhiều thuận lợi cho người nuôi như giảm chi phí giá thành chăn nuôi đồng thời tận dụng các sản phẩm mà mình tự làm được như ngô, khoai sắn để chế biến thành thức ăn nuôi tôm cá.
Dưới đây là một số cách làm thức ăn cho tôm cá:
Thức ăn tươi, có thể sử dụng loại thức ăn, như các loại rau xanh, cỏ, cá tạp, cám, lúa ngâm mộng, đầu vỏ tôm, ốc bươu vàng... Các loại thức ăn này khi chế biến chỉ cần rửa sạch, băm hoặc nghiền vừa cỡ với miệng cá, rồi cho cá ăn ngay khi còn tươi. Loại thức ăn này thích hợp với các loại cá, như trê, trắm cỏ, chim trắng, rô phi, chép...
Những loại thức ăn dạng bột, lựa chọn mắt sàng của máy nghiền cỏ kích thước phù hợp với yêu cầu rồi đưa các nguyên liệu khô vào máy nghiền nhỏ. Đối với các loại thức ăn đơn, sau khi nghiền có thể đóng gói vào bao để dùng dần. Đối với các loại thức ăn hỗn hợp sau khi nghiền, phối trộn các loại nguyên liệu theo công thức rồi đóng bao. Khi dùng, có thể tung cho cá ăn dạng bột, trộn nước vừa đủ để nắm lại thành nắm rồi thả xuống ao cho cá. Vì thức ăn dạng bột cho cá ăn ngay thì hiệu quả sử dụng thức ăn rất thấp, chỉ đạt 20-25% nên có thể dùng để tiếp tục chế biến.
- Nguyên liệu và công thức chế biến
Nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá như ngô, đỗ tương, sắn, cám gạo… các nguyên liệu này, bà con cần xay nhỏ trước khi chế biến. Đối với thành phần bột cá, bà con có thể mua ở chợ hoặc chế biến tự phơi khô.
Ở dạng viên, các nguyên liệu khô được phối trộn theo công thức, sau đó trộn với nước đến đủ ẩm rồi đưa vào máy ép cám viên. Sau khi tạo viên xong, thức ăn được phơi nắng hoặc sấy khô rồi đóng bao cho cá ăn dần. Hiện nay, một số đơn vị đã sản xuất được các máy ép thức ăn dạng viên, các hộ nuôi trồng thủy sản có thể mua vì các máy này có ưu điểm là rẻ tiền, gọn, dễ sử dụng và công suất phù hợp với quy mô sản xuất trong gia đình. Với những thức ăn chín, từ các loại thức ăn dạng bột, thức ăn tươi người nuôi có thể nấu chín để cho cá ăn.
- Nghiền thức ăn cho tôm cá
Sau khi có được dạng bột mịn rồi thì bà con phối trộn thêm thành phần bổ sung là vitamin tổng hợp và 20 - 25% nước. Không nên dùng vitamin tổng hợp của lợn, gà để cho cá ăn bởi vì nó có những đặc tính dinh dưỡng khác nhau. Khi nắm hỗn hợp nguyên liệu lại có hình 5 đầu ngón tay, không bị tơi ra là đạt và chuyển lên máy tạo viên. Lưu ý khi đưa lên máy tạo viên, nếu nuôi kích thước cá nhỏ bà con dùng mắt sàng có đường kính nhỏ để tạo viên nhỏ cho phù hợp với cỡ miệng của con cá. Nếu cá lớn thì dùng mắt sàng có kích thước lớn. Sau khi tạo viên xong, đem ra ngoài nắng phơi, lưu ý nên phơi trên nền xi măng hoặc nền gạch để thức ăn của không bị bẩn. Nếu bà con có máy sấy thì nên sấy ở nhiệt độ 60 - 70%, tuyệt đối không sấy ở nhiệt độ cao quá vì dễ làm thức ăn bị biến tính. Khi thức ăn đã khô, bà con cất vào thùng hoặc bao kín để nơi khô thoáng tránh không để thức ăn bị ẩm mốc. Nếu không có máy tạo viên, hàng ngày, bà con nấu chín hỗn hợp đã xay theo phương pháp thủ công để cho cá ăn.
Bà con lưu ý nên cho cá ăn theo giờ nhất định để cá có phản xạ tìm kiếm thức ăn theo giờ. Khi sử dụng thức ăn tự chế sẽ giúp cho bà con hạ giá thành trong chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế và tận dụng tốt các nguyên liệu sẵn có tại địa phương
Bà con cần tuân thủ theo công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi như sau:
Cá rô phi, tôm
Giai đoạn cá từ 0g - 5g, bà con cho cá ăn với tỷ lệ gồm bột cá chiếm 20 - 25%, đỗ tương chiếm 10 -15% và cám gạo chiếm 65%.
Giai đoạn cá từ 5g - 35g, phối trộn 15% cá, 10% đỗ tương, còn lại là bột sắn.
Cá tra
Giai đoạn cá còn non, bà con phối trộn 25 - 40% bột cá, 15 - 20% là đỗ tương, còn lại là cám ngô.
Giai đoạn cá tra từ 5g đến khi trưởng thành, phối trộn từ 15 - 20% bột cá , 10% đỗ tương, 70% cám gạo và ngô.
Sau khi phối trộn các nguyên liệu thức ăn theo tỷ lệ như trên, bà con đưa vào máy nghiền, nghiền mịn, nghiền càng mịn càng tốt để tăng độ kết dính của thức ăn khi đưa xuống nước và tăng khả năng hấp thụ thức ăn cho cá.
0 nhận xét