22/09/2016
Chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, Trước thực trang ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản ngày một nghiêm trọng đặc biệt do lượng thức ăn dư thừa, phân và các hóa chất, kháng sinh sử dụng quá liều đọng lại dưới đáy ao. Bên cạnh đó, lớp bùn dưới đáy ao do tích tụ lầu ngày là nơi các vi sinh vật gây thối sinh ra các khí độc như NH3, H2S như Vibrio, Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus., các loại nấm và nguyên sinh động vật Với việc áp dụng công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển như Mỹ, chế phẩm sinh học trong môi trường nuôi trồng thủy sản được ứng dụng trực tiếp là một giải pháp mang lại hiệu quả cao để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong ao nuôi, tạo nên tảng vững chắc cho phần lớn hoạt động nuôi trồng thủy sản trên thế giới.
Chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản đã được ứng dụng và chấp nhận rộng rãi trong việc khống chế dịch bệnh, tăng cường khả năng miễn dịch, và xử lý môi trường. Điều này hoàn toàn khác với phương pháp sử dụng các chất hóa học và kháng sinh gây ô nhiễm môi trường đất và nước.
Hiện nay, Chế phẩm sinh học được sản xuất ở 3 dạng: viên, bột và dạng nước. Khi đưa chế phẩm sinh học vào môi trường nước ao, gặp điều kiện thuận lợi, các vi sinh vật có lợi sẽ sinh sôi và phát triển rất nhanh. Sự hoạt động của các vi sinh vật có lợi sẽ có tác dụng cho ao nuôi thủy sản như sau:
+ Phân hủy chất hữu cơ trong nước, hấp thu xác tảo chết và làm giảm sự gia tăng lớp bùn đáy ao.
+ Giảm các độc tố trong môi trường nước, giảm mùi hôi trong nước giúp tôm cá phát triển tốt.
+ Nâng cao khả năng miễn dịch của tôm cá (do kích thích tôm cá sản sinh ra kháng thể).
+ Ức chế sự hoạt động và phát triển của vi sinh vật có hại. Từ đó sẽ hạn chế mầm bệnh phát triển để gây bệnh cho tôm cá.
+ Giúp ổn định độ pH của nước, gián tiếp làm tăng oxy hòa tan trong nước, làm cá khỏe mạnh, ăn nhiều, mau lớn. Ngoài ra, chế phẩm sinh học còn được trộn vào thức ăn giúp nâng cao khả năng hấp thu thức ăn của tôm, cá, làm giảm hệ số tiêu tốn thức ăn và phòng chống các bệnh đường ruột của tôm, cá.
* Chế phẩm gồm 2 dạng:
- Probotic: Là các loài vi khuẩn ở dạng sống tiềm sinh.
- Prebiotic: Là các loại chất bổ sung vào thức ăn hay môi trường ao nuôi, chất này không tiêu hóa được mà có tác dụng cân bằng hệ vi sinh đường ruột, kích thích tăng trưởng hay làm sạch môi trường (như Yucca, Enzyme, Macrogard).
* Tác dụng của chế phẩm sinh học:
1. Tác dụng trong nước: Men vi sinh có tác dụng kích thích sự phát triển các vi khuẩn có lợi, cạnh tranh môi trường sống, làm giảm số lượng vi khuẩn có hại, làm ổn định môi trường ao nuôi. Giúp chuyển hoá các chất hữu cơ như: thức ăn dư thừa, xác tảo, cặn bã thành CO2 và nước; chuyển các chất độc hại như NH3, NO2- thành các chất không độc như NO3-, NH4+ từ đó làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi.
2. Tác dụng trong ruột tôm cá: Khi sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn; men vi sinh có tác dụng tương tự như trong nước, men vi sinh kích thích vi khuẩn có lợi phát triển, cạnh tranh để giảm dần số lượng vi khuẩn gây bệnh đường ruột cho tôm cá; ngoài ra còn tham gia quá trình biến dưỡng tạo vitamin, chuyển các chất dinh dưỡng từ thức ăn cung cấp năng lượng cho tôm cá nuôi. Tiết ra một số chất kháng sinh, enzym hay hoá chất kìm hãm hay tiêu diệt mầm bệnh, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng tôm cá nuôi. Kích thích quá trình bắt mồi và chuyển hoá thức ăn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.
* Nguyên tắc sử dụng:
Khi sử dụng vi khuẩn cho ao nuôi cá nhằm mục đích phòng ngừa mùi hôi, giảm một phần tảo lam, giảm nitrit, nitrat, ammoni và phosphate, tăng lượng oxy hòa tan, giảm lượng chất thải hữu cơ, khi sử dụng phải định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, có thể kết hợp nhiều loài vi khuẩn với nhau gồm: Bacillus, Nitrobacter, Pseudomonas, Enterobacter, Cellulomonas và Rhodoseudomonas...
Tùy theo mục đích sử dụng: ổn định chất lượng nước, làm sạch đáy ao hay cải thiện chức năng tiêu hóa trong đường ruột tôm cá mà người nuôi cần sử dụng. Để men vi sinh phát huy hiệu quả cao, người nuôi thủy sản phải tuân thủ theo một số nguỵên tắc sau đây:
- Không được sử dụng men vi sinh cùng với các loại hoá chất, kháng sinh. Vì hóa chất kháng sinh có thể làm chết hoặc làm mất tác dụng của men vi sinh. Nếu đã sử dụng hóa chất và kháng sinh trong ao, thì khoảng 2 – 3 ngày sau nên sử dụng vi sinh để khôi phục lại hệ vi sinh vật có lợi trong ao nhằm cải thiện chất lượng nước và đáy ao.
- Đa phần các men vi sinh ở dạng bột hoặc lỏng. Vì vậy, khi sử dụng nên cân trọng lượng liều phù hợp với đối tượng nuôi, mật độ và diện tích/thể tích ao nuôi; liều lượng sử dụng theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất. Cách sử dụng men vi sinh dạng bột là nên cho vào chậu một ít nước trước khi đổ sản phẩm vào để hạn chế bị gió tạt, khuấy đều và tạt khắp ao cho hiệu quả sử dụng cao hơn.
- Thời gian xử lý vi sinh tốt nhất là lúc trời nắng và khi môi trường trong ao đã đủ lượng oxy hòa tan để các dòng vi khuẩn nhanh chóng được khởi động và nhân rộng sinh khối.
- Men vi sinh nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi ẩm thấp. Nếu sử dụng không hết thì gói kín phần còn lại, tránh ẩm để không bị đóng vón.
- Chỉ sử dụng các loại men vi sinh của các công ty có quy tính chất lượng và có tên trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định của Bộ Nông nghiệp-PTNT.
Lưu ý rằng men vi sinh không phải là thần dược, nên không thể khi nào có sự cố môi trường thì mới sử dụng. Cần định kỳ xử lý vi sinh để duy trì một mật độ vi khuẩn thích hợp nhằm kiểm soát sinh học môi trường nước và đáy ao, ổn định các yều tố môi trường ao nuôi, ngăn ngừa các loài vi khuẩn gây bệnh, tảo độc và mầm bệnh tiềm tàng trong ao. Chi phí xử lý sự cố, rủi ro biến động môi trường hoặc cải thiện môi trường thì rất tốn kém, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tỉ lệ sống của thủy sản nuôi và người nuôi nên áp dụng quy trình xử lý vi sinh trước, trong và sau mỗi vụ nuôi.
Ở nước ta, trong nuôi tôm, cá và sản xuất cá giống, chỉ ứng dụng nhiều từ năm 2000 trở lại đây. Thực tế cho thấy hiệu quả sử dụng rất tốt, hướng tới giảm sử dụng hóa chất và không sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, cá, tạo ra sản phẩm nuôi chất lượng cao, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
0 nhận xét