03/07/2021
Cách ủ chua lá sắn cho gia súc tiết kiệm chi phí chăn nuôi
Sắn được xếp vào nhóm lương thực đứng thứ 3 trong nền nông nghiệp trên toàn thế giới, và chủ yếu được sử dụng để làm các món ăn, làm bánh kẹo, sản xuất chế phẩm sinh học… Bên cạnh đó, loại củ này hiện đang được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy hải sản để tiết kiệm chi phí, đồng thời giảm lượng thức ăn công nghiệp chế biến sẵn. Ngoài củ sắn, lá sắn cũng là một trong những nguồn thức ăn hữu ích cho vậy nuôi. Lá sắn có chứa nguồn giá trị dinh dưỡng cao dùng làm thức ăn cho trâu bò, lợn gà và cá rất tốt. Để bảo quản lá được lâu dài người ta thường hay sử dụng cách ủ chua lá sắn cùng với các chế phẩm sinh học, nhằm lưu trữ được nguồn nguyên liệu này lâu hơn.
1. Thành phần dinh dưỡng chứa trong lá sắn
Lá sắn có hàm lượng protein khá cao (20 - 25% trong vật chất khô) cùng với tinh bột, vitamin và khoáng chất. Theo nghiên cứu lá sắn có chứa lượng lớn các chất đạm, canxi, caroten, vitamin B1, C… Tuy nhiên, trong lá sắn có chứa một lượng Acid cyanhydric (HCN) - có thể gây ngộ độc. Nhưng bà con cũng không nên quá lo lắng điều này, vì theo kinh nghiệm các hộ chăn nuôi sau khi lá sắn được lên men sẽ còn rất ít độc tố, nên không gây hại cho vật nuôi.
Song lá sắn tươi chỉ nhiều theo mùa và không thể để lâu dài. Chính vì vậy, mà việc ủ chua lá sắn là biện pháp chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn xanh trong thời gian dài, mà không sợ bị giảm hàm lượng giá trị dinh dưỡng. Đồng thời, quá trình ủ chua còn giúp làm giảm đáng kể lượng độc tố có trong lá sắn, vì đặc tính của chất độc này rất dễ bay hơi, cũng như dễ hòa tan trong nước nóng, và nước lạnh, nên ăn ở mức độ cho phép sẽ không sợ gây ngộ độc cho vật nuôi. Khi chất độc bị oxy hóa thì chúng sẽ trở thành chất không độc, hoặc hàm lượng sẽ giảm xuống còn rất ít.
2. Cách ủ chua lá sắn
Để ủ chua lá sắn bà con cần chuẩn bị và thực hiện theo các công đoạn như sau:
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu ủ chua lá sắn
- Lá sắn tươi 200kg.
- Cám gạo, bột ngô khoai khoảng 7-10kg.
- Muối ăn 1kg.
- Mật rỉ đường 2 - 3kg.
- Túi ủ chua 3A có 2 lớp lồng vào nhau.
- Men vi sinh: Chế phẩm sinh học EM1 1 - 2 lít hoặc men ủ vi sinh BTV
2.2. Cách tiến hành
Việc ủ chua lá sắn được tiến hành khá đơn giản, không mất nhiều thời gian công sức như cách ủ sắn tươi cho cá, cách ủ sắn tươi cho gà, cách ủ bã sắn cho bò… bởi lá rất gọn nhẹ, dễ xử lý. Lá sau khi thu hoạch về, bỏ hết các lá già cỗi, khô héo đem phơi nhẹ trong bóng râm cứ 2 giờ đảo lá một lần. Đến khi lá xẹp xuống, hơi héo thì dùng dao băm nhỏ hoặc sử dụng Máy băm đập dập cỏ 3A4Kw để tăng năng suất một cách nhanh nhất.
Sau khi lá được băm nhỏ, thì đem trộn đều với các nguyên liệu đã chuẩn bị theo liều lượng như muối ăn, cám gạo, mật rỉ đường và các chế phẩm sinh học. Việc cho thêm chế phẩm sinh học, và mật rỉ sẽ giúp cho vật nuôi ăn ngon miệng hơn, tốt cho hệ tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng. Từ đó vật nuôi sẽ nhanh lớn, ít bệnh và nhanh được xuất chuồng hơn. Sau khi trộn xong ta sẽ tiến hành ủ chua.
Tất cả các hỗn hợp được đưa vào trong túi nilon ủ chua 2 lớp có sẵn lèn thật chặt, nên bỏ thành phẩm vào 1 cách từ từ theo từng lớp một. Bỏ lá sắn vào túi đến đâu thì dùng lực nén chặt đến đó, để tránh sự tồn tại của không khí trong bao. Quá trình ủ chua đảm bảo yếm khí nhất có thể, để việc ủ chua thành công không bị mốc, thối. Nếu túi bị rách quá trình lên men Lactic, và cách ủ chua lá sắn sẽ bị ảnh hưởng dễ dẫn đến mốc, hỏng và không thành công.
2.3. Thời gian ủ chua và cách bảo quản
Thời gian ủ chua lá sắn sẽ tùy thuộc vào thời tiết, nếu mùa hè thời gian ủ chua chỉ cần 7 - 10 ngày là có thể sử dụng được, nhưng vào mùa đông quá trình lên men sẽ kéo dài hơn mất khoảng từ 15 - 20 ngày mới có thể dùng được.
Thức ăn lên men thành công sẽ có màu vàng, chua dịu, thơm như dưa cải muối. Còn nếu khi mở miệng bao lá biến thành màu đen, xám thì khả năng cao là cách ủ chua lá sắn đã bị thất bại.
Lá sắn ủ chua cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp mặt trời và để ở nơi ít chuột, dán và côn trùng. Vì nếu để chúng cắn bao sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng lá sắn và gây hỏng thành phẩm.
2.4. Cách sử dụng lá sắn ủ chua
Ban đầu nên cho vật nuôi ăn ít một, để chúng quen dần với mùi vị của thực phẩm, khi đã ăn quen thì bà con tăng dần liều lượng, lên dựa vào độ tuổi của vật nuôi. Lấy lượng vừa phải theo nhu cầu từng bữa, không dùng hết thì nên bỏ đi, không được cho lại vào túi ủ. Bóc túi ủ chua nào ra thì nên dùng hết túi đó, tránh bóc nhiều túi cùng một lúc. Khi mở miệng túi ủ ra cần buộc lại càng nhanh càng tốt để tránh không khí lọt vào bên trong.
Kết luận
Lá sắn có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, nên bà con cần tận dụng để giảm chi phí lương thực trong chăn nuôi, giúp tăng lợi nhuận kinh tế. Tuy nhiên, không nên cho vật nuôi ăn lá sắn tươi quá nhiều, mà nên ủ chua nó để giảm lượng độc tố cũng như dự trữ được lâu hơn. Lá ủ chua có thể bảo quản được 5 - 6 tháng, là nguồn thức ăn vô cùng quan trọng trong các thời điểm khan hiếm lương thực như vụ đông xuân, hay vào thời điểm xảy ra khô hạn, mưa lũ. Trên đây là chia sẻ về cách ủ chua lá sắn đơn giản tại nhà, chúc bà con áp dụng thành công!
Công ty Cổ phần Đầu tư Tuấn Tú
Địa chỉ: Số 2, Ngõ 2, Đường Liên Mạc, P. Liên Mạc, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: 0945796556 – 0984930099
Website: maychannuoi.com
Email: maychannuoivn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/kinhnghiemnhanong
0 nhận xét