31/03/2021
Ý nghĩa của hoạt động sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp
Phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch và xả thải ra môi trường chưa qua xử lý vừa lãng phí lại gây ô nhiễm trầm trọng. Trước thực trạng đó, giải pháp sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp là cần thiết. Quy trình đơn giản nhưng đã và đang đem lại ý nghĩa lớn lao về kinh tế, xã hội, môi trường.
Ủ phân hữu cơ vi sinh – việc làm cần thiết có tính cấp bách
Nông nghiệp đã và đang bước vào giai đoạn cơ giới hóa. Hàng loạt nông trường, nông trại, trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển theo hướng thâm canh công nghiệp tập trung rải rác trên khắp các tỉnh thành. Thế nhưng, nó cũng để lại hệ quả gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đất đai, đời sống người dân.
Trước đây rơm rạ, bẹ ngô… được người dân tận dụng làm chất đốt trong gia đình, làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Nhưng với quá trình cơ giới hóa, nông trường nông trại phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng cao thì phế phụ phẩm lại bị “bỏ hoang”.
Người dân không sử dụng làm chất đốt mà thải ra môi trường hoặc đốt thành đống lớn ngoài ruộng đồng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tất cả những điều này đều tác động ngược trở lại, làm ảnh hưởng đến các vấn đề nhân sinh xã hội, cuộc sống con người.
Trong khi đó, lượng phân bón hữu cơ sạch lại vô cùng khan hiếm, chi phí đắt đỏ. Bản thân phế phụ phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ, chứa nhiều chất dinh dưỡng hoàn toàn có thể tận dụng để ủ làm phân bón cho cây trồng.
Trước thực trạng đó, sản xuất phân vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp là hoàn toàn cần thiết. Loại phân hữu cơ sinh học (phân composite) này có chứa các hợp chất hữu cơ được thu từ xác bã động thực vật. Phải kể đến đó là xenlulozơ, hemixenluloza, đường bột, protein, chất béo…
Bà con tận dụng rơm, rạ, thân ngô, lá mía, cỏ, bã cafe, than bùn, phân chuồng (trâu, bò, lợn, gà, vịt, dê…), vỏ trấu, mụn dừa, phụ phẩm từ các cơ sở chế biến thực phẩm, thủy sản… kết hợp với chế phẩm sinh học EM, Trichoderma, Mật rỉ đường. Quy trình sản xuất đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ cần ủ trong 1 – 4 tháng có thể đem bón lót cho cây trồng, cải tạo đất nông nghiệp. Từ đó, giảm thiểu chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường.
Hiệu quả của chế phẩm sinh học trong ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm
Chế phẩm sinh học được dùng để xử lý phụ phẩm chủ yếu là EM, nấm đối kháng Trichoderma, mật rỉ đường.
Trong đó, mật rỉ đường cũng là một phế phẩm được tận thu từ quá trình sản xuất đường mía ở các nhà máy chế biến. Giá thành cho 1kg rỉ mật chỉ 9.000kg. Không chỉ dùng để ủ phân vi sinh, phế phẩm này còn được nhiều trang trại sử dụng trong quá trình ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.
EM và nấm đối kháng Trichoderma có chứa lượng vi sinh vật có lợi vô cùng dồi dào. Hai loại chế phẩm này được cũng đã được Viện Nghiên cứu Sinh học phân tích, sản xuất và thực hành cho hiệu quả cao.
Trong quá trình ủ phân, các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm vi sinh sẽ phát triển mạnh mẽ. Các hợp chất hữu cơ có phân tử lượng lớn sẽ bị enzym do vi sinh vật cơ lợi sinh ra thủy phân nhanh chóng. Cuối tùng tạo thành những chất có phân tử lượng nhỏ dần, rồi thành chất khoáng dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Lượng vi sinh vật có lợi trong chế phẩm EM, Trichoderma cũng đồng thời làm tăng tốc độ phân giải của hợp chất hữu cơ, tăng sinh khối, tăng giá trị và chất lượng của mùn hữu cơ tạo thành. Kết thúc quá trình, chất mùn được chuyển thành phân bón hữu cơ sinh học giúp cây trồng dễ dàng hấp thụ và chuyển hóa thành dinh dưỡng nuôi cơ thể.
Ý nghĩa từ công nghệ sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp
Về mặt xã hội
Với đặc thù là một nước nông nghiệp, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn ở mức nhập siêu phân bón cho cây trồng. Chính vì vậy, việc hoàn thiện và ứng dụng quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh sẽ giải quyết được phần nào sự thiếu hụt của phân bón trong nước. Đặc biệt là phân hữu cơ an toàn. Từ đó, đáp ứng nhu cầu trồng trọt thâm canh, xen canh của bà con, giảm lượng phân bón nhập khẩu, tiết kiệm chi phí.
Không những vậy, việc người nông dân, bản thân các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nông trường trực tiếp tận phế phụ phẩm vào sản xuất phân bón còn góp phần nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường. Từ đó tạo ra không gian sống xanh, trong lành, nâng cao sức khỏe cũng như hiệu quả lao động của xã hội.
Về môi trường
Ước tính lượng phế phụ phẩm từ cây trồng lên đến khoảng 1 – 2 tấn/ha. Chưa kể phế phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Việc xả thải ra khi chưa qua xử lý không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn rất lãng phí.
Chính vì thế, việc tận dụng chế phẩm vi sinh ủ phế phẩm thành phân hữu cơ sẽ hạn chế được hiện tượng trên. Từ đó giảm sức ép lên môi trường (đất, nước, không khí). Ngoài ra, phân bón sau khi ủ vi sinh hoàn toàn không có mùi hôi thối, không chứa vi sinh vật, mầm bệnh có hại. Ngược lại, lượng vi sinh vật có ích được tăng lên đáng kể, tốt cho cây trồng và đất đai.
Một ý nghĩa quan trọng hơn đó là khi phế, phụ phẩm được xử lý, ủ vi sinh sẽ góp phần tiêu diệt sâu, mầm bệnh trú ẩn. Từ đó làm sạch ruộng đồng, mùa màng bội thu.
Về kinh tế
Nguyên liệu dùng để ủ hoàn toàn từ phế - phụ phẩm nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi. Đây đều là các nguyên liệu sẵn có và luôn ở mức dồi dào, dư thừa. Chỉ cần thu gom và đem ủ, bà con đã có ngay khối lượng phân bón hữu cơ sạch khổng lồ.
Chế phẩm vi sinh EM, Trichoderma, mật rỉ đường 3A cung cấp có giá thành tương đối rẻ, hiệu quả sử dụng cao trong khi đó lượng cần thiết cho 1 tấn phân lại ít. Giúp bà con tiết kiệm 1/3 – ½ chi phí so với phân bón vô cơ. Song, giá trị kinh tế và lợi ích thiết thực cho môi trường lại cao hơn rất nhiều. Hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững, đất đai được cải tạo, phì nhiêu, màu mỡ.
Tóm lại
Việc sử dụng chế phẩm sinh học để ủ phế phụ phẩm trong sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả. Góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, cải tạo và phát triển công nghệ xanh trong nông nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững cho bà con.
Công ty Cổ phần Đầu tư Tuấn Tú
Địa chỉ: Số 2, Ngõ 2, Đường Liên Mạc, P. Liên Mạc, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: 0945796556 – 0984930099
Email: maychannuoivn@gmail.com
Website: http://maychannuoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/kinhnghiemnhanong
0 nhận xét