22/09/2016
Với diện tích cà phê hiện tại của Việt Nam thì hàng năm thải ra hàng trăm ngàn tấn vỏ quả cà phê từ quá trình xay xát, nếu lượng vỏ này được chế biến thành phân hữu cơ sinh học sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho mỗi gia đình và xã hội.
Chỉ cần bỏ ra công lao động, vỏ quả cà phê và ít tiền để mua chế phẩm sinh học EM, phân chuồng (nếu gia đình không có), phân urê, phân lân, vôi, và đường ăn thì có thể sản xuất ra phân hữu cơ sinh học có chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng 30% so với giá phân cùng loại bán trên thị trường.
Do đó, có thể tiết kiệm được một lượng chi phí đáng kể. Mặt khác, bón phân hữu cơ sinh học này cho cây trồng, góp phần ổn định năng suất, giảm được sâu bệnh là hướng đi đầy tiềm năng để tiết kiệm chi phí sản xuất.
1) Nguyên vật liệu
Nguyên liệu chính để chế biến phân sinh học là khoảng 1.000 kg vỏ quả cà phê được lấy từ quá trình xay xát tạo ra 3.000 kg cà phê nhân.
+ Phân chuồng: 200 kg
+ Phân lân nung chảy: 50 kg
+ Phân urê: 10 kg
+ Nước sạch
+ Chế phẩm EM1 gốc: 1 lit.
+ Rỉ đường: 1 lit. ( không có rỉ đường có thể thay bằng đường nâu 1kg)
2) Chuẩn bị:
- Lao động
Cần 5 công lao động để chia 2 đợt để hoàn thành công việc chế biến này:
Đợt 1: cần 3 công để hoàn thành xong đống ủ
Đợt 2: sau đợt 1 là 40 ngày cần 2 công lao động để đảo lại đống ủ
- Dụng cụ
Chuẩn bị các dụng cụ sau đây đủ để thực hiện công việc này:
+Thùng phuy nhựa hoặc can nhựa đảm bảo có nắp thật kín, Nếu không có thùng kín sử dụng bao ni lông to dầy để trong thùng. ( vì quá trình lên men kị khí nên không thể để lọt khí bên ngoài vào)
+ Cây khuấy
+ Cuốc: 02 cái
+ Xẻng: 02 cái
+ Cào xới: 02 cái
+ Thùng chứa 500 lít nước: 01 cái
+ Ô doa tưới nước; 01 cái
+ Bơm nước: 01 cái
+ Ống nước: đủ dài để dẫn nước từ nguồn nước đến nơi chế biến
+ Bao, bạt cũ: đủ để che toàn bộ đống ủ
3) Sản xuất chế phẩm sinh học EM thứ cấp từ EM gốc
Từ 5 đến 10 ngày trước khi tiến hành ủ phân
• Công thức:
- 18 lít nước sạch
- EM1 gốc: 1 lit.
- Mật Rỉ đường: 1 lit. ( không có rỉ đường có thể thay bằng đường nâu 1kg)
• Quy trình:
- Đổ nước sạch vào túi ni lông trong thùng đã được vệ sinh sạch.
- Cho rỉ đường vào túi ni lông đã có nước theo tỷ lệ quy định rồi dùng gậy khuấy đến khi tan. Sau đó tiếp tục cho EM1 gốc vào theo tỷ lệ đã định.
- Buộc thật chặt túi ni lông lại, Bảo quản thùng trong bóng râm. 5 – 10 ngày ( tùy nhiệt độ môi trường ) ta sẻ có chế phẩm màu nâu, có mùi thơm dể chịu , lúc này ta đã có được EM thứ cấp để sử dụng.
4) Kỹ thuật ủ phân:
- Hòa tan chế phẩm sinh học EM thứ cấp với nước sạch:
Bơm khoảng 500 lít nước sạch vào thùng chứa và cho toàn bộ 20 lít chế phẩm sinh học đã làm ra vào.
- Phối trộn :
Vỏ quả cà phê được trải đều trên mặt đất dày khoảng 40 cm
Phân chuồng vãi đều trên bề mặt vỏ quả cà phê
Lượng phân urê (10kg) được vãi đều trên mặt đống nguyên liệu vỏ cà phê và phân chuồng
Tiếp theo vãi phân lân nung chảy. Sau khi đã cho tất cả nguyên liệu vào với nhau thì tiến hành đảo đống nguyên liệu này để cho tất cả các thành phần được trộn thật đều với nhau.
Nguyên liệu khô đã được trộn đều với nhau thì tiến hành vừa tưới nước đã hòa tan chế phẩm EM thứ cấp vào đống nguyên liệu vừa trộn ướt hoàn toàn đống ủ. Nếu chỉ tưới mà không tiến hành trộn cùng lúc thì chỉ có lớp mặt đống nguyên liệu bị ướt chế phẩm vi sinh EM, các lớp dưới không ướt đều sẽ không phân giải khi ủ. Lượng nước đã hòa tan chế phẩm EM thứ cấp tưới ướt khoảng 70 – 80% thành phần đống nguyên liệu là đủ, nếu tưới nhiều nước quá phân urê, phân lân có thể bị rửa trôi mất.
+ Dọn sạch và làm bằng vị trí để chất đống ủ
+ Trải lên mặt đất một lớp rơm rạ, hay vỏ quả cà phê đã tưới ướt dày khoảng 10 cm
+ Chất nguyên liệu đã trộn ướt thành lớp dày 20 cm đến 25 cm, rộng từ 2 mét đến 2,5 mét, và dài tùy ý.
+ Đống ủ khi hoàn thành phải có chiều cao tối thiểu là 1,2 m, và rộng từ 2 mét đến 2,5 mét để bảo đảm đống ủ có thể giữ nhiệt cho quá trình phân giải.
+ Khi đống ủ đã được chất hoàn toàn thì dùng rơm rạ, hay vỏ quả cà phê ướt phủ lên bề mặt đống một lớp mỏng từ 10 cm đến 20 cm, tiếp theo tưới nhẹ nước lên toàn bộ đống ủ, và cuối cùng dùng bao, bạt cũ hay tấm nilon che phủ kín toàn bộ đống ủ để giữ ẩm và nhiệt độ cho đống ủ.
Chú ý: Tấm bạt, nilon phải đè chèn bằng vật nặng để khỏi bị gió cuốn đi.
- Kiểm tra sau khi ủ:
Khoảng 15 ngày sau khi ủ, thì tiến hành kiểm tra đống ủ, dùng cuốc moi một hố sâu vào tâm đống ủ và nhận thấy có rất nhiều nấm men vi sinh trắng bám trên bề mặt nguyên liệu và nhiệt độ của đống ủ có thể lên đến 80oC có tác dụng phân huỷ nguyên liệu và tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, đống ủ cũng bị thiếu ẩm (bị khô), nên cần phải tưới thêm nước sao cho nước có thể làm ướt đều đống ủ. Sau đó, gom chất đống và che đậy lại.
Đảo trộn, chất đổng ủ lần 2 Sau khi kiểm tra từ 25 đến 30 ngày, thì dở toàn bộ bao, bạt, tấm nilon che phủ và tiến hành đảo trộn thật đều toàn bộ đống ủ, vừa trộn vừa tưới nước đủ để thấm đều hoàn toàn nguyên liệu. Khi đã trộn xong nên tiến hành gom, chất và giẫm nén nguyên liệu thành đống có chiều cao tối thiểu là 1 mét và dùng bao, bạt, tấm nilon đậy kín lại như lần đầu.
- Kiểm tra lần cuối
Khi tổng số ngày ủ lại được 70 đến 80 ngày, kiểm tra đống ủ thấy nguyên liệu đã mềm và nát thì có thể sử dụng để bón cho cây trồng được.
Chú ý: Luôn kiểm tra độ ẩm của đống ủ, nếu thấy khô, phải tưới thêm nước. Đôi khi ở lớp ngoài và bề mặt trên của đống ủ rất ẩm, nhưng bên trong thì rất khô, nên phải tưới nước để đống ủ ẩm hơn cho vi sinh vật hoạt động tốt, nguyên liệu mau hoai mục.
Khối lượng phân hữu cơ sinh học được tạo thành
Với thành phần, khối lượng nguyên liệu được sử dụng thì sau khi chế biến, phân giải thu được khoảng 1.300 – 1.400 kg phân hữu cơ sinh học với ẩm độ từ 20 đến 25% trọng lượng.
Bà con có thể liên hệ với các đại lý của công ty cổ phần Đầu Tư Tuấn Tú để được cung cấp chế phẩm sinh học EM gốc và rỉ mật có chất lượng đảm bảo và giá cạnh tranh nhất.
Công ty Cổ phần Đầu tư Tuấn Tú
Địa chỉ: Số 2, Ngõ 2, Đường Liên Mạc, P. Liên Mạc, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: 0945796556 – 0984930099
Email: maychannuoivn@gmail.com
Website: http://maychannuoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/kinhnghiemnhanong
0 nhận xét